Xuất khẩu tôm năm 2021 kỳ vọng mục tiêu trên 4 tỷ USD

Có nhiều lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh, cùng với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu được thuận lợi, năm 2021 xuất khẩu tôm có thể tăng 15% so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD.

11 tháng năm 2020, xuất khẩu tôm thu về 3,4 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh ngành tôm Việt Nam gặp không ít khó khăn do tác động của dịch Covid-19, tình hình xâm nhập mặn tại các vùng nuôi chủ lực dẫn đến sản lượng tôm nước lợ, đặc biệt là tôm sú bị sụt giảm.

Tăng trưởng xuất khẩu cao và ổn định ở thị trường Mỹ, Canada, Australia, cùng với đó là tăng trưởng nhẹ ở các thị trường như Trung Quốc, EU, Hàn Quốc là những điểm sáng của ngành hàng này trong năm 2020.


Là đơn vị đi đầu trong ngành tôm, từ gia hóa, sản xuất tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu, tạo giá trị gia tăng cao, ông Lê Văn Quang – Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú – cho biết, trong năm 2020, Minh Phú đã xuất khẩu được 55 ngàn tấn tôm thành phẩm, với kim ngạch đạt 580 triệu USD. Mục tiêu năm 2021 là 71 ngàn tấn tôm, kinh ngạch 790 triệu USD.
Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu tôm lớn của thể giới. Các doanh nghiệp thời gian qua đã tập trung vào chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, việc chủ động xoay chuyển thị trường, tận dụng cơ hội từ những thay đổi tạo ra trên thị trường do dịch Covid-19, đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp với từng phân khúc thị trường đã giúp các doanh nghiệp trong ngành không chỉ duy trì mà còn gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Trong bối cảnh các nguồn cung của đối thủ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình hình được dự báo chưa thể khả quan hơn cho tới hết quý I/2021, các chuyên gia nhận định, xuất khẩu tôm của Việt Nam nếu đảm bảo tốt khâu nuôi trồng, chế biến thì sẽ tiếp tục đạt được các mốc tăng trưởng trong năm 2021. Vắc xin phòng Covid-19 ra đời cùng với lợi thế từ các FTA đang được các doanh nghiệp tận dụng sẽ là động lực cho hoạt động xuất khẩu tôm năm 2021.

Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – nhận định, việc tham gia các hiệp định thương mại song phương với các nước sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu được thuận lợi hơn. Năm 2021, xuất khẩu tôm có thể tăng 15% so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD.

Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhu cầu tôm trên thế giới sẽ tiếp tục tăng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhu cầu thủy sản chế biến sẵn ăn tại nhà sẽ tăng mạnh. Đáng chú ý, theo VASEP, trong khi các nước sản xuất tôm chính như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan… đều phải chịu những ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh covid-19 như sản xuất, vận chuyển hàng hóa đình trệ, giá tôm giảm khiến hoạt động thả nuôi chậm, sản lượng tôm giảm… So với các nước đối thủ cạnh tranh, Việt Nam có lợi thế hơn do kiểm soát tốt hơn dịch bệnh covid-19, các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, EU, Trung Quốc ưu tiên chọn mua tôm của Việt Nam. Đây là những cơ hội cho ngành tôm Việt Nam.

VASEP dự báo, xuất khẩu tôm có thể đạt kim ngạch xuất khẩu từ 4 – 4,4 tỷ USD. Để đạt được chỉ tiêu này, cần tập trung cho các giải pháp như phát triển vùng nuôi, giảm giá thành tôm nguyên liệu, trong đó riêng sản lượng tôm thẻ cần đạt 1 triệu tấn. Các doanh nghiệp tập trung đầu tư công nghệ, chế biến chuyên sâu, gia tăng giá trị, đáp ứng tốt nhu cầu của các nước nhập khẩu.

Để hỗ trợ cho ngành hàng này nắm bắt cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu, ông Nguyễn Quốc Toản cho hay, cùng với việc tổ chức chuỗi sự kiện, hội chợ, đưa mặt hàng thủy sản, trong đó có tôm chế biến đi các nước giới thiệu, quảng bá để tạo điều kiện cho xuất khẩu, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ xúc tiến, đưa hàng từ phía Nam ra Bắc tiêu thụ nhằm kích thích thị trường tiêu thụ nội địa cũng sẽ được đẩy mạnh triển khai.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị, ngay từ những ngày đầu năm 2020, các đơn vị, doanh nghiệp và người nuôi chuẩn bị tốt các điều kiện và thả giống theo lịch mùa vụ năm 2021. Coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết giữa các đơn vị tham gia vào chuỗi sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tiếp tục nâng cao tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng xuất khẩu. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả, giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật.

Nguyễn Hạnh

Theo congthuong.vn